Nuôi dế làm giàu


NDĐT - Trong một lần ghé về Tây Ninh thăm người thân, ông Nguyễn Văn Lương, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa (Đồng Nai) tình cờ quen biết với một người chuyên nuôi dế kinh doanh. Trở về nhà, sau nhiều lần trăn trở, ông Lương đã quyết định quay lại Tây Ninh để học nghề… nuôi dế. Hai năm sau, ông đã thành công và công việc mới mẻ này đang mang lại cho ông những khoản lợi nhuận khá lớn.

Đến thăm nhà của ông Nguyễn Văn Lương để tận mắt thấy mô hình nuôi dế từ sáng sớm, nhưng phải đến trưa, chúng tôi mới gặp được ông chủ của trại dế có một không hai tại TP Biên Hòa (Đồng Nai). Tay đon đả rót trà, ông Lương vừa nói như thanh minh: “Mong các cháu thông cảm, vì dế là loại côn trùng rất khó nuôi, chỉ cần chuồng dơ bẩn là nó chết ngay. Sáng nào tôi cũng phải dọn dẹp vệ sinh cho các lồng dế, cho ăn uống mới nghỉ ngơi được”.
Ông Nguyễn Văn Lương chăm sóc đàn dế mới nở.

Với gần 30 lồng dế được nuôi trên diện tích chỉ khoảng 60 m2, thế nhưng mỗi tháng đàn dế này cho ông thu lợi hơn tám triệu đồng sau khi trừ hết mọi chi phí. Đây là một khoản tiền không nhỏ đối với một cán bộ đã nghỉ hưu như ông. Với tay sắp xếp lại các lồng ấp trứng dế để kiểm tra đàn dế mới nở đêm qua, ông tâm sự: “Khi thấy anh em dưới Tây Ninh nuôi dế, thoạt đầu tôi thấy rất ấn tượng. Dế là loại côn trùng hoang dã, nay lại được gây nuôi tại gia thành công, mô hình này lại không tốn quá nhiều diện tích, nên tôi nghĩ mình cần học hỏi kinh nghiệm để áp dụng thử”.
Ban đầu, ông chỉ nuôi dế để bán cho những người nuôi chim, cá cảnh. Song khi nhận ra thịt dế là loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng, lại ngon, lạ miệng nên ông đã mạnh dạn mang dế của mình đi “chào hàng” ở những quán ăn trên địa bàn TP Biên Hòa. Chỉ một thời gian sau, món ăn này đã trở nên nổi tiếng, nhiều người dân đã đến tận nhà để tìm mua. Tiếng lành đồn xa, hàng loạt nhà hàng, quán ăn lớn ở Đồng Nai cũng đã tìm đến để đặt hàng ông cung cấp dế hằng ngày.
 
Những đàn dế hậu bị này sẽ mang lại lợi nhuận khá lớn cho ông Lương.
Cười xuề xòa, ông chia sẻ: “Thực ra ban đầu tôi không nghĩ mô hình nuôi dế của mình lại hút hàng đến thế. Bây giờ quy mô của đàn dế khoảng 30 lồng lên đến 200 kg, nhưng hầu như ngày nào cũng hết hàng và phải bổ sung dế hậu bị liên tục. Nhờ đó mỗi năm, tôi cũng tích cóp cũng được gần 100 triệu đồng để lo cho con cái ăn học. Đây là số tiền khá lớn đối với một người đã nghỉ hưu như tôi”.
Dễ nhưng không dễ
Đang tiếp chuyện chúng tôi, ông Lương phải ngắt ngang giữa chừng khi có tiếng gọi ngoài cổng. Vừa đi ra mở cổng ông vừa ngoái đầu lại nói: “Giờ này chưa phải là giờ khách đến mua hàng, chắc lại có người đến tìm hiểu mô hình nuôi dế”. Đúng như ông Lương dự đoán, hai người khách từ thị xã Long Khánh (Đồng Nai) biết được mô hình nuôi dế của ông đến tìm hiểu để áp dụng. Dẫn khách đi thăm quan mô hình nuôi dế và chỉ dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi, ông Lương cũng không quên khuyến cáo: “Dế là loại động vật hoang dã, sống quen trong môi trường thiên nhiên, nên ngoài việc cho ăn cám viên, cũng cần phải chú ý bổ sung các loại lá cây tự nhiên để dế phát triển tốt. Đặc biệt, dế rất dễ nhiễm bệnh, chỉ cần sơ suất trong khi cho dế uống nước, để nước ngấm vào phân dế, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh xuất hiện thì dế sẽ chết hàng loạt, không cứu chữa nổi”.
Ông cũng cho biết thêm, dế có vòng đời ngắn, chưa đến 70 ngày, nếu không tìm ra nơi tiêu thụ kịp thời, sẽ chịu thiệt hại nặng. Hiện, tôi đang liên hệ với những hệ thống nhà hàng lớn ở các tỉnh, thành lân cận để cung cấp dế. Nếu không có gì xảy ra thì trong năm nay sẽ ký được hợp đồng cung cấp đều dặn cho rất nhiều nhà hàng. Lúc đó, tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi dế để chăn nuôi theo mô hình liên kết chặt chẽ, chứ không nuôi theo kiểu này nữa. Nó còn manh mún và thiếu bền vững lắm…
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment